Bánh chưng ngày tết xưa và nay
Những ngày tháng cuối năm tất bật, những người con xa quê, xa nhà chắc có lẽ ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình trong ba ngày Tết. Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, đánh dấu sự kết thúc của năm đồng thời chào đón năm mới với mọi điều an lành và tốt đẹp hơn. Tết cũng là thời gian để ông bà con cháu đoàn tụ, cùng quây quần bên nhau nhớ về tổ tiên và kể những điều được mất trong năm cũ. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, tục ăn tết của người Việt tuy có nhiều thay đổi, thế nhưng không vì thế mà mất đi những nét truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người con đất Việt. Một trong những điều đặc sắc ấy chính là tục cúng bánh chưng, bánh tét trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết.
Theo truyện dân gian Việt Nam, chiếc bánh chưng đầu tiên ra đời vào thời vua Hùng do hoàng tử Lang Liêu nghĩ và làm ra với sự giúp sức của vợ chàng và bà con xung quanh nơi chàng sinh sống. Một chiếc bánh chưng cơ bản được làm từ nếp, đậu xanh và thịt lợn, tất cả các nguyên liệu được gói lại bằng lá dong. Chiếc bánh chưng theo như hoàng tử Lang Liêu-người đã sáng tạo ra nó là tượng trưng cho đất với sự đầy đủ ấm no bởi bên trong đủ động vật và thực vật là nếp, đậu xanh và thịt lợn. Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Cũng từ đó, vào dịp Tết nhân dân ta thường gói bánh chưng để cúng ông bà tổ tiên. Chiếc bánh chưng khi theo đoàn người di dân vào miền Nam thì được biến tấu thành bánh tét. Cũng với các nguyên liệu như vậy, nhưng chiếc bánh tét có hình trị và thường được gói bằng lá chuối.
Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh chưng. Khoảng thời gian đó có lẽ đã trở thành kí ức không thể quên của rất nhều người. Cùng với việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, thì các bà các mẹ cũng tất bật gói bánh chưng để dâng cúng tổ tiên, ông bà. Người lớn ngồi cùng nhau vừa làm vừa trò chuyện, trẻ con được dịp ríu ran bên bà, bên mẹ, rồi tập tành gói thử bánh chưng. Vui nhất có lẽ là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, bên bếp lửa bập bùng, cả nhà quây quần cùng nướng ngô, nướng khoai, trò chuyện với nhau đợi bánh. Hương bánh theo khói lan tỏa vào không gian, cùng với bếp lửa ấm nồng xua tan cái lạnh của những đêm đông giáp Tết. Chiếc bánh chưng được làm ra gói trong đó là cả lòng biết ơn ông bà tổ tiên và tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý. Chiếc bánh chưng còn thể hiện tài nội trợ của các bà, các mẹ, bởi việc làm sao để bánh vuông vức, các nguyên liệu phân thành từng lớp rõ ràng, nếp chín nở đều, dẻo ngon, thơm mùi lá dong, đậu xanh, lạt buộc không bị bung ra... không phải là điều dễ dàng.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại hơn mọi người ai bận rộn với công việc của mình, nên tục gói bánh chưng ngày tết không còn phổ biến nữa. Muốn có bánh chưng đặt lên bàn thờ ngày Tết, chỉ cần đặt những người chuyên làm bánh chưng hoặc ra chợ mua là có. Thế nên trẻ con ngày nay sẽ khó mà biết được niềm vui của việc làm bánh chưng, của đêm giáp Tết cả nhà quây quần bên nhau đợi bánh chín.
Những chiếc bánh chưng ngày Tết không chỉ là những chiếc bánh đơn thuần mà còn là truyền thống, là nét đẹp trong văn hóa của người Việt.
Tạo vào 2017-01-15 17:48:00,
Cập nhật 8 năm trước
Nguyễn Đình Nam
Theo dõi
1
Bình luận
Top phản hồi
Phản hồi bài viết Bánh chưng ngày tết xưa và nay
Gửi đi
Chia sẻ Bánh chưng ngày tết xưa và nay tới bạn bè để mọi người cùng đọc nhé !
Bạn đang đọc bài viết
Bánh chưng ngày tết xưa và nay.
Hãy để nguồn tutrithuc.com khi phát hành lại nội dung này !