Cách tạo ấn tượng tốt trong lần đầu tiên gặp mặt
Ngày nay, nhu cầu mở rộng giao tiếp càng tăng cao, vì thế làm thế nào để ngay trong lần gặp đầu tiên chúng ta đã có thể để lại ấn tượng cho đối phương? Ai cũng biết rằng, mối quan hệ có kết quả tốt đẹp hay không được quyết định ở 4 phút đầu tiên. Thậm chí sau 4 phút ấy, đối phương có thể quyết định cho bạn vay bao nhiêu tiền hay mối quan hệ sẽ kéo dài đến thời gian nào. Vì vậy làm thế nào để kiểm soát được 4 phút đầu tiên này? May mắn thay, có đến 4 yếu tố bạn có thể kiểm soát nhằm tạo ấn tượng tốt trong lần gặp đầu tiên này: cái bắt tay, nụ cười, cách ăn mặc và không gian cá nhân. Đây đều là những yêu tố xuất phát từ chính bản thân mình vì thế chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và làm tốt nó.
1. Cái bắt tay
Một trong những tín hiệu ngôn ngữ cơ thể quyền năng nhất mà ít được chú ý nhất đó chính là sức mạnh của bàn tay. Khi được sử dụng đúng cách chắc chắn đây sẽ là một yếu tố nâng cao quyền lực và giá trị của bạn trong cuộc gặp mặt đầu tiên.
Bắt tay là một hình thức cổ xưa nhất trong giao tiếp. Ngày trước, loài vượn mở lòng bàn tay, chìa tay ra phía trước ngang ngực mình để báo hiệu an toàn, không có vũ khí và phát tín hiệu cho một cuộc giao tiếp cởi mở, thân thiện. Sau đó hình thức này phát triển dần và được mọi người sử dụng để mở đầu câu chuyện, để thể hiện sự đồng ý hay để kết thúc buổi nói chuyện. Nhưng cũng thông qua "cái bắt tay" này mà nhiều người có thể phô trương quyền lực, hay thể hiện sự thách thức đối với đối phương hay là sự hòa nhã và thân thiện, muốn hợp tác với người đối diện. Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chắc chắn chúng ta muốn để lại ở người đối diện điều gì đó tốt đẹp của bản thân mình, vậy thì mình nên làm thế nào?
Có 2 quy tắc trong việc tạo mối quan hệ thông qua cách bắt tay. Thứ nhất, giữ bàn tay thẳng, không thống lĩnh (để lòng bàn tay hướng xuống khi bắt, bàn tay không song song với mặt đất thay vào đó là nghiêng xuống theo thế đặt tay của người đối diện.), không quy phục (để lòng bàn tay hướng lên trên, động tác này đặc biệt hiệu quả trong việc bạn muốn trao quyền cho một ai đó) mà ở thế ngang hàng. Làm như thế để người đối diện cảm thấy thoải mái và không bị đe dọa hay cưỡng ép. Thứ 2, sử dụng lực bàn tay ở mức tương đương với lực bạn nhận được từ người kia.
Nếu tuân thủ theo 2 quy tắc này bạn sẽ cho đối phương một thông điệp rằng không có sự cao thấp ở đây, cũng không có bất kì sự đe dọa hay cưỡng ép. Như vậy, mọi người sẽ dễ cởi mở hơn và tránh không đánh giá lẫn nhau.
Có một lưu ý quan trọng khi bắt tay lần đầu gặp mặt đó là: chúng ta không nên dùng 2 tay để bắt tay người đối diện. Mặc dù ý định của chúng ta là để thể hiện sự chào đón ấm áp, tin tưởng và sự nhiệt tình nhưng với người đối diện họ lại cảm nhận khác. Họ cho rằng những người này thiếu chân thành, không đáng tin và có mưu đồ gì đó. Do đó, chúng ta chỉ nên dùng 1 tay để bắt với một lực phù hợp.
Khi trò chuyện cùng nhau chúng ta phải luôn duy trì lòng bàn tay mở và hướng về phía người đối diện. Đây là một biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể không lời cho biết rằng bạn là người cởi mở và chân thành. Theo các nghiên cứu cho thấy những người có xu hướng đưa tay về phía trước với lòng bàn tay mở là những người chân thành, đáng tin tưởng và họ cũng khơi gợi được sự chân thành ở người đối diện. Vì thế giúp cho cuộc trò chuyện thêm vui vẻ và đầy sự tin tưởng ở hai bên.
Một điều khá thú vị nữa là, trong cuộc sống chúng ta cũng nên học cách sử dụng bàn tay trái khi giao tiếp. Nghe có vẻ là lạ nhưng thật ra bàn tay trái cũng cực kì hữu ích, giúp bạn có những cử chỉ uyển chuyển trong giao tiếp. Ví dụ, tay phải bạn đang cầm một ly nước đá và người đối diện đến. Theo như lẽ thông thường bạn sẽ chuyển ly nước sang tay trái và dùng tay phải để bắt tay người kia. Lúc đó người đối diện rất dễ nãy sinh đánh giá rằng bạn là người lạnh, ẩm và ước. Nếu lúc ấy bạn quen dùng cả 2 tay thì có lẽ hành động sẽ không phải xảy ra vụng về như thế nhỉ?
2. Sức mạnh của nụ cười
Giữa một người luôn tươi cười để chào đón bạn và một người với vẻ mặt nghiêm trang để chào đón bạn, bạn sẽ chọn giao tiếp 4 phút đầu tiên với người nào?
Nụ cười có một sức hút vô hình mà con người khó có thể cưỡng lại được. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng bạn càng cười nhiều thì mọi người càng có xu hướng đứng gần bạn, duy trì tiếp xúc bằng mắt với bạn lâu hơn, khả năng người khác chạm vào bạn cũng nhiều hơn và khoảng thời gian họ muốn ở bên bạn cũng dài hơn. Vậy nếu chỉ cần mỉm cười bạn đã có thể giúp người đối diện cởi mở và cuộc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn thì bạn có sẵn sàng không?
Thật ra không có ai có nụ cười quá xấu cả, chỉ cần bạn cười cùng với trái tim của mình chắc chắn đó sẽ là một nụ cười rất đẹp và nhờ nụ cười ấy mọi người cũng sẽ vui hơn!
3. Cách ăn mặc
Chắc hẳn ai cũng hiểu rằng ngoại hình rất quan trọng và chúng ta có thể đánh giá người khác qua cách họ ăn mặc như thế nào đúng không? Bởi vì trang phục che phủ 90% cơ thể của chúng ta và nó phản chiếu trực tiếp đến mắt của người đối diện. Vậy nên trang phục của chúng ta phải thật sự "chuyên nghiệp". Chuyên nghiệp thể hiện ở cách ăn mặc phù hợp với nội dung của buổi gặp mặt và mong đợi của người sắp gặp mặt. Điều này có vẻ hơi khó khăn đối với nữ giới hơn nam giới bởi vì phụ nữ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Bí quyết để lựa chọn trang phục nằm ở câu trả lời cho câu hỏi: " người bạn sắp gặp mặt nghĩ bạn sẽ ăn mặc như thế nào?" Để trông có vẻ đáng tin,dễ mến, quyền lực, giàu kiến thức, thành công và dễ gần. Dựa vào đó bạn có thể chọn cho mình loại trang phục và phụ kiện đi kèm phù hợp.
Ví dụ: trang phục cho một cuộc gặp gỡ bạn bè thân mật thì bạn nên chọn gì?
4. Không gian riêng tư- khoảng cách cá nhân
Ai cũng cần có một khoảng không gian an toàn để thoải mái trò chuyện, đặc biệt trong buổi giao tiếp lần đầu chúng ta lại càng phải chú ý đến đều này hơn. Bán kính của khoảng không gian này tùy thuộc vào mật độ dân số và nền văn hóa. Ví dụ, những người được nuôi dạy ở các gia đình trung lưu thuộc các thành phố nói tiếng Anh có không gian cá nhân khoảng 46 cm. Nhưng đối với người ở cùng Địa Trung Hải và Nam Mỹ thì không gian cá nhân của dân bản địa chỉ còn 30 cm. Vậy việc gì sẽ xảy ra nếu một người ở thành phố nói tiếng Anh và một người Địa Trung Hải gặp nhau và mang văn hóa của mình trò chuyện với người còn lại?. Chắc hẳn cuộc giao tiếp sẽ không suôn sẻ và có kết quả tốt.
Chúng ta dường như cũng khó đoán khoảng cách cá nhân an toàn của mỗi người vì thế khi gặp nhau chúng ta nên chọn cho mình khoảng cách xã giao trước tiên (khoảng 45cm-1m), sau đó nếu đối phương cảm thấy khó chịu với khoảng cách ấy thì bản thân nên cảm nhận được và lùi lại phía xa để người đó thấy thoải mái hơn và ngược lại để chúng ta có thể duy trì một cuộc hội thoại tốt nhất.
Trong 4 phút ban đầu là giờ phút vàng vì thế chúng ta nên tập trung đến biểu cảm và cử chỉ của người đối diện để có những sự thay đổi phù hợp cho một cuộc trò chuyện hoàn hảo nhé! Nếu bạn không phải là người có cảm nhận tốt thì bạn có thể hỏi trực tiếp người được giao tiếp: " khoảng cách như thế này bạn đã cảm thấy thoải mái để trò chuyện chưa?" để có câu trả lời và có cách ứng xử phù hợp. Chẳng ai từ chối một người với sự vô tư, sự chân thành và trái tim yêu thương thật sự cả!
Trên đây là 4 yếu tố khá quan trọng giúp bạn gây ấn tượng với người đối diện trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng một điều chúng ta cũng cần lưu ý đó là không nên áp dụng bất kì điều gì quá cứng nhắc mà nó phải phù hợp với cá tính, phong cách của chính bạn. Bởi vì chỉ khi nào bạn thoải mái với chính mình thì bạn mới tạo được một không gian thoải mái cho người khác và khơi gợi được sự cởi mở ở người đối diện.
Chúc các bạn có những buổi gặp gỡ thật ấn tượng và ngày càng có nhiều mối quan hệ hữu ích!
Tạo vào 2017-10-21 18:40:24,
Cập nhật 7 năm trước
Trần Thị Mận
Theo dõi
1
Bình luận
Top phản hồi
Phản hồi bài viết Cách tạo ấn tượng tốt trong lần đầu tiên gặp mặt
Gửi đi
Nguyễn Đình Nam
21:27,21/10/2017
Đánh giá
Cám ơn bạn về bài viết ! Chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống !
Chia sẻ Cách tạo ấn tượng tốt trong lần đầu tiên gặp mặt tới bạn bè để mọi người cùng đọc nhé !
Bạn đang đọc bài viết
Cách tạo ấn tượng tốt trong lần đầu tiên gặp mặt.
Hãy để nguồn tutrithuc.com khi phát hành lại nội dung này !