Tìm hiểu về những bệnh mùa hè

Cẩm nang / Cẩm nang sức khỏe      1.831 - 0      7 năm trước
Tìm hiểu về những bệnh mùa hè
0 0
SỐT XUẤT HUYẾT

Hình ảnh
Ảnh: Internet

Đây là căn bệnh khá quen thuộc, thường bùng phát thành dịch, nhất là vào mùa hè và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa trang bị đầy đủ kiến thức và vẫn còn khá xem nhẹ ảnh hưởng của nó tới sức khỏe của chính bản thân hay những người xung quanh.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch, do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người mắc bệnh thường có các triêụ chứng như: Sốt cao liên tục, đau đầu, đau mình, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), sau đó xuất hiện xuất huyết từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong. Đặc biệt, những trường hợp bệnh nhân bị nặng có thể còn có dấu hiệu sốc. Đây là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc người bệnh đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu của sốc gồm: mệt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh,tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu. Thời gian diễn ra sốc thường ngắn từ 12 đến 24 h.
Điều đáng lưu ý là người lớn nếu nhiễm bệnh có tỉ lệ tử vong cao hơn so với trẻ em.

Một số giải pháp đối phó khi mắc bệnh hoặc bênh lây lan thành dịch:

- Phải đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để ngăn không cho muỗi không vào đẻ trứng.
- Tiến hành diệt diệt loăng quăng định kì hàng tuần và diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và phá nơi ở của tác nhân gây bệnh. Đối với các dụng cụ không chứa nước, nên lật úp khi không sử dụng đồng thời thay nước bình hoa, bỏ muối, dầu, hóa chất diệt loăng quăng bọ gậy vào bát nước kê ở chân chạn và các ổ nước đọng.
- Tiến hành dọn dẹp, phát quang cây bụi, làm sạch môi trường sống xung quanh để hạn chế muối phát sinh và truyền bệnh ra cộng đồng.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt hay có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

TIÊU CHẢY
Hình ảnhHình ảnh
Ảnh: Internet

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, tuy nhiên theo nghiên cứu của Bộ Y Tế, bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Do nước ta có nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, thức ăn nhanh bị ôi thiu, gây nên căn bệnh này.

Ở một số vùng bị bão lụt, sau khi nước rút sẽ khiến cho đất ẩm ướt, tạo môi trường cho các loại vi khuẩn sinh sôi, từ đó gây bệnh cho con người. 

Dấu hiệu của bệnh khá dễ nhận biết. Cụ thể, Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tiêu chảy có thể bao gồm: Người bệnh đi ngoài nhiều hơn bình thường và phần chất thải ở dạng lỏng. Mặt khác, còn có những cơn đau, quặn bụng. Trong phân thường có máu, bệnh nhân có biểu hiện sốt và đầy hơi, khó chịu trong người.

Mặc dù khá quen thuộc nhưng nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Do đó, không nên chủ quan mà cần có những biện pháp chủ động đối phó với bệnh như: 

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi và không uống nước lã.
- Cần sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ.
- Không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý để bón cây trồng.
- Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.

TAY CHÂN MIỆNG

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Biểu hiện chính là các bọng nước xuất hiện dày đặc ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mông và đầu gối, gây đau đớn, khó chịu cho trẻ.
Hình ảnh
Ảnh: Internet

Bệnh chân tay miệng ở trẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ…Bệnh thường có những dấu hiệu khác nhau tùy vào từng giai đoạn cụ thể của bệnh. Cần hết sức lưu ý vì bệnh này dễ lây lan và rất nguy hiểm, nhất là với những trẻ còn nhỏ, sức đề kháng yếu.

- Phải đảm bảo trẻ được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, người chăm sóc phải sát khuẩn tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được chế biến cẩn thận, ăn chín uống sôi. Các vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý đúng cách.
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh bệnh lây lan.

- Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với trẻ khác.

BỆNH CÚM
Hình ảnh
Hình ảnh
Ảnh: Internet

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus influenza gây nên. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Chúng thường gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch, do đó số người tử vong vì cúm rất đáng kể.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1-3 ngày, trung bình 48 giờ. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt, ớn lạnh, nhức đầu, sổ mũi, đau cơ, mệt mỏi.
Bệnh thường tự hồi phục trong vòng 4-7 ngày khi không có biến chứng. Tuy nhiên thường gây ra hiện tượng chán ăn, ho và mệt mỏi còn kéo dài đến 3 tuần sau, nhất là ở người già.

- Để đối phó với cúm, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm văcxin cúm mùa để phòng bệnh đồng thời hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

THỦY ĐẬU

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền.
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em.
Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như: bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Hình ảnh
Ảnh: Internet

Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo động… Cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc người bị bệnh để phòng tránh lây lan ra cộng đồng. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. 
- Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi, cần được tiêm phòng vắc xin thủy đậu đầy đủ.

ĐAU MẮT ĐỎ

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần do đó cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh.

Hình ảnh
Ảnh: Internet

- Khi có dịch, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Tuyệt đối không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... nhất là đối với người bệnh.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng. Đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

VIÊM NÃO VIRUT

Viêm não virut là một quá trình bệnh lý viêm xảy ra ở tổ chức nhu mô não, do nhiều loại virut có ái lực với tế bào thần kinh gây ra. Đặc điểm lâm sàng đa dạng, nhưng chủ yếu là hội chứng não cấp gây rối loạn ý thức với nhiều mức độ khác nhau.

Hình ảnh
Ảnh: Internet

Người bệnh thường gặp phải hội chứng nhiễm khuẩn - nhiễm độc cũng như những rối loạn về tâm - thần kinh, cụ thể:

- Thay đổi về ý thức: Tuỳ theo mức độ bệnh, có thể gặp lơ mơ, ngủ lịm, bán hôn mê và hôn mê.
Rối loạn tâm thần: Mê sảng, mất định hướng, ảo giác, loạn thần, rối loạn cử chỉ và nhân cách...
- Có cơn co giật kiểu động kinh: Thường gặp ở 50% số bệnh nhân nặng, có thể co giật cục bộ hoặc toàn thân.
- Tổn thương thần kinh khu trú: Mất vận động ngôn ngữ, thất điều, bại hoặc liệt nhẹ, tăng phản xạ gân xương, xuất hiện phản xạ bệnh lý bó tháp (+), rung giật cơ, liệt các dây thần kinh vận nhãn, dây VII...
- Các triệu chứng do tổn thương trục dưới đồi - tuyến yên (rối loạn thần kinh thực vật) như: Rối loạn điều hoà thân nhiệt, tăng tiết mồ hôi, đái tháo nhạt.

Để đối phó với bệnh, cần áp dụng các phương pháp sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi. Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
- Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản cần tiêm văcxin đầy đủ và đúng lịch. 

Hình ảnh
Ảnh: Internet

RUBELLA

Là bệnh do virus gây ra và có thể phát triển thành dịch, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở những nơi như trường học, khu nhà trọ, công ty, xí nghiệp. Bệnh được lây truyền bởi các hạt nước bọt khi hắt hơi, sổ mũi,… khuếch tán rộng trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Hình ảnh
Ảnh: Internet

Rubella là bệnh lành tính, ít gây biến chứng viêm phổi, viêm não hay gây tử vong ở trẻ em, nhưng là bệnh quan trọng vì tác hại của nó đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai. Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh như các bệnh tim bẩm sinh, bệnh đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển tâm thần,….

Hình ảnh
Ảnh: Internet

- Cần phát hiện bệnh sớm và cách ly người bệnh kịp thời để tránh lây lan cho người khác. Thời gian cách ly là từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến 7 ngày sau khi phát ban (trẻ em nên nghỉ học, người lớn nên nghỉ làm).
- Để người bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.
Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh (khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa, chăn, gối, màn…).
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi… của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.
- Tiêm chủng vắc xin: Vắc-xin phòng bệnh Rubella thông dụng hiện nay là loại vắc-xin  MMR (Measle, Mumps, Rubella) phòng ngừa cho cả 3 bệnh Sởi, Quai bị, Rubella.


Tạo vào 2017-06-25 18:44:43, Cập nhật 7 năm trước
Bình luận
Top phản hồi
Đang tải bình luận bài viết Phản hồi bài viết Tìm hiểu về những bệnh mùa hè
Gửi đi

Chia sẻ Tìm hiểu về những bệnh mùa hè tới bạn bè để mọi người cùng đọc nhé !

Bài viết có vấn đề ? Hãy cho chúng tôi biết.

Gửi báo cáo sai phạm
Bạn đang đọc bài viết Tìm hiểu về những bệnh mùa hè.

Hãy để nguồn tutrithuc.com khi phát hành lại nội dung này !

10011