Về An Giang ghé qua Bảy Núi
Khi nhắc đến ĐBSCL là chúng ta lại nghĩ đến những cánh đồng bát ngát, thế mà có một nơi rất lạ, giữa đồng bằng mênh mông nó lại có 37 ngọn núi. Vâng tôi đến nhắc đến An Giang-vùng đất có dãy Thất Sơn hùng vĩ. Như chúng ta biết, những vùng có núi thì trước đây thường là những vùng biển, qua thời gian kiến tạo của trái đất nó mới trở thành núi. Nhưng bạn biết không An Giang nằm ở phía tây của nước ta thuộc vùng ĐBSCL và trước đây cũng không phải là vùng có biển vậy mà nó lại có đến 37 ngọn núi, trong đó có 7 ngọn núi khá nổi tiếng mà khi nhắc đến đến An Giang là người ta nhớ ngay đến nó. Hãy cùng xem 7 ngọn núi đó là những ngọn núi nào.
Nguồn: thanhnien.vn
Trước tiên phải kể đến là Núi Cấm ( Thiên Cẩm Sơn), đây là một trong những dãy núi cao nhất và đẹp nhất của dãy. Đường lên đỉnh núi có nhiều khúc cua uốn lượn trông rất đẹp mắt. Vì độ cao của ngọn núi này lên đến 750m nên nhiều người chọn cách đi bằng xe máy lên đỉnh núi, còn những bạn trẻ muốn được chụp ảnh và khám phá kỹ hơn thì chọn cách đi bộ lên đỉnh núi. Đi bằng xe máy cũng có cảm giác rất lạ, đường lên núi thẳng đứng, chạy xe máy mà bạn có cảm giác như mình đang tự leo núi vậy, những ai không có đủ can đảm thì nên chọn cách đi bằng cáp treo cho an toàn. Trên đường đi lên đỉnh núi bạn sẽ đi qua một ngôi chùa có tên là chùa Vạn Linh, nên mệt thì cứ ghé vào đây nghỉ ngơi. Ở đây có một khu vườn rất rộng trồng nhiều cây kiểng quý, bạn có thể vừa nghỉ chân, hóng mát và ngắm hoa kiểng, khi nào thấy khỏe thì tiếp tục cuộc hành trình nhé. Khi lên tới đỉnh núi bạn sẽ nhìn thấy tượng Phật Di Lạc, đây là tượng phật lớn nhất Việt Nam với chiều cao 36m và nặng 600 tấn. Đứng trên đỉnh núi này bạn sẽ ngắm nhìn được tỉnh An Giang, cảm giác như chạm tới trời xanh, quãng đường đi khá vất vả nhưng lên đến đây thì bạn sẽ thấy nó hoàn toàn xứng đáng, lên đây mà chụp ảnh thì còn gì bằng. Chỉ cần có kỹ thuật chụp ảnh chút xíu là bạn sẽ có một tấm ảnh mình đang ở bồng lai tiên cảnh.
Nguồn: tourmientayvietnam.com
Núi Két (Anh Vũ Sơn) cũng là một trong những ngọn núi đặc biệt ở nơi đây. Trước tiên sẽ là cái tên lạ tai ấy, sở dĩ đặt tên núi Két là vì khối đá trên đỉnh núi có hình thù giống đầu và mỏ chim két. Điểm thu hút du khách của ngọn núi này là vì nó khó chinh phục. Mặc dù độ cao chỉ khoảng 225m nhưng dốc núi thẳng đứng, có nhiều khúc quanh co, chênh vênh. Để chinh phục ngọn núi, bạn phải đi bộ trên những bậc thang đá và tất nhiên điều đó không phải dễ dàng. Phía trên đỉnh núi ngoài khối đá hình két còn có một điện thờ chư vị Nam Non Bảy Núi cùng những người đã có công khai khẩn vùng đất này.
Nguồn: dulich30s.com
Có một ngọn núi được nhiều người biết đến vì nét độc đáo riêng của nó, đó là Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ Sơn). Điểm gây ấn tượng đầu tiên có lẽ là ở cái tên lạ, theo quan sát người ta thấy trên núi có năm vị trí mặt đất trũng sâu như những cái giếng nước. Chính vì địa hình khá nguy hiểm này nên khiến người ta càng muốn tìm hiểu nó, hơn nữa ở ngọn núi này có nhiều cảnh đẹp mắt làm ngây ngất lòng người.
Nguồn: dulich24h.com
Ngọn núi tiếp theo phải nhắc đến là Núi Cô Tô ( Phụng Hoàng Sơn). Ngọn núi này có cấu trúc địa hình đặc biệt, bên ngoài có nhiều tảng đá lớn với hình thù lạ mắt còn bên trong là hệ thống hang động kiên cố và đầy huyền bí. Ngọn núi này nổi tiếng với đồi Tức Dụp-ngọn đồi "Hai triệu đô la", chính tại nơi đây Mỹ đã từng trút xuống một khối lượng bom đạn khổng lồ nhằm san bằng cả ngọn đồi và số bom đó ước tính lên đến 2 triệu đô la. Lên đến đỉnh núi nhìn sang sườn phía tây bạn sẽ thấy một vẻ đẹp hoang sơ với hồ nước trong xanh, mặt hồ phẳng lặng rất thơ mộng.
Nguồn: mytour.vn
Núi Tượng ( Liên Hoa Sơn) cũng là một ngọn núi đẹp và nó ẩn chứa một sự kiện đau lòng. Nếu đứng nhìn từ xa bạn sẽ thấy ngọn núi có hình thù giống một con voi vì thế người dân nơi đây đặt cho nó cái tên là núi Tượng. Với người dân An Giang, khi nhắc đến ngọn núi này lúc nào trong mắt họ cũng một nỗi buồn khó tả, bởi vì ngọn núi này chính là nhân chứng cho cuộc thảm sát tàn bạo của Pôn Pốt đối với người dân bản địa.
Nguồn: vietlandmarks.com
Núi Nước ( Thủy Đài Sơn)-ngọn núi nhỏ nhất của dãy Thất Sơn, cái tên của ngọn núi này cũng gắn với một truyền thuyết xưa. Người ta kể rằng, trước kia vùng này chưa có đê ngăn lũ, nên mỗi khi đến mùa nước lên là cả ngọn núi này sẽ chìm trong biển nước đỏ phù sa mênh mông, chính vì núi mà lại chìm trong nước nên người ta gọi đây là Núi Nước. Người ta tìm đến nơi đây thường là để viếng khu thờ những người có công khai khẩn nơi đây.
Nguồn: otoxuyenviet.net
Cuối cùng là Núi Dài (Ngọa Long Sơn), gọi là Núi Dài vì đây là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn. Với độ dài 8000m và địa hình dốc hiểm trở nên nó được chọn làm căn cứ bí mật của quân và dân An Giang trong những năm kháng chiến. Hiện nay trên ngọn núi này vẫn còn lưu giữ nhiều vết tích chiến tranh. Đến đây bạn sẽ được nhìn thấy một con suối đẹp với cái tên Ô Tà Sóc ( có nghĩa là suối Ông Sóc), con suối này nước chảy quanh năm với nhiều hang động được tạo ra từ những khối đá khổng lồ.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Vừa rồi chúng ta đã điểm qua bảy ngọn núi nằm trong dãy Thất Sơn, mỗi ngọn núi đều mang một vẻ đẹp riêng. Đã đến An Giang mà không ghé thăm 7 núi thì cũng như chưa tới đây. Hãy đến vùng Thất Sơn để vừa leo núi, vừa hóng mát và vừa thưởng thức một ly nước thốt nốt-đặc sản An Giang. Thất Sơn đang chờ bạn chinh phục!.
Tạo vào 2017-05-06 11:06:49,
Cập nhật 7 năm trước
Thạch Thị Quỳnh Như
Theo dõi
0
Bình luận
Top phản hồi
Phản hồi bài viết Về An Giang ghé qua Bảy Núi
Gửi đi
Chia sẻ Về An Giang ghé qua Bảy Núi tới bạn bè để mọi người cùng đọc nhé !
Bạn đang đọc bài viết
Về An Giang ghé qua Bảy Núi.
Hãy để nguồn tutrithuc.com khi phát hành lại nội dung này !