Xin hãy dùng ái ngữ cho nhau

Cẩm nang / Cẩm nang cuộc sống      8.020 - 0      5 năm trước
Xin hãy dùng ái ngữ cho nhau
0 0

Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà mắt lại cay cay
Lời nói không là mây
Mà đưa ta xa mãi
Sao không ngồi nghĩ lại 
Nói với nhau nhẹ nhàng

 

Hand Right  Hand Right  Xin hãy dùng ái ngữ cho nhau Heart

 

Vậy "Ái ngữ" là gì mà ta cần dùng tới: là lời nói dịu dàng, lời nói dễ nghe, những lời khen chân thành, những lời cảm ơn, và hơn hết là nhừng lời xin lỗi khi ta sai,....

Con người đến với nhau cũng bằng lời nói, nhưng xa nhau cũng bởi lời nói. Người xưa thường dạy con cháu mình rằng: 

"Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

      Để mong rằng những lời ăn tiếng nói hằng ngày sẽ là những sợi dây vô hình gắn kết con người lại với nhau, giúp con người vượt qua những khó khăn, những áp lực trong cuộc sống.

Mỗi chúng ta đều có sẵn tài sản quý giá này, nó có thể làm cho người sống bên cạnh yên vui, hạnh phúc mà không tốn kém tiền bạc, công sức, đó là những lời nói dễ thương hay còn được gọi là ái ngữ.

Tuy rằng lời nói không thể diễn tả hết những điều sâu sắc của tình cảm hay sự vô cùng của chân lý nhưng nó thật sự cần thiết để tiếp sức cho nhau trong những lúc khó khăn. Những lời nói nhẹ nhàng, ấm áp được xuất phát từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng không những tạo cảm giác dễ nghe mà còn có thể nâng đỡ được người khác rất nhiều. 

Vì rằng cuộc sống quá tất bật nên chúng ta quên mất những lời khen tặng dành cho những người thân yêu mà chúng ta rất quý trọng. Đã bao lâu bạn chưa gọi về cho Mẹ và dành một lời khen tặng Mẹ? Có thể những điều này sẽ dễ dàng được viết ra trên Facebook, zalo hay Instagam,... nhưng nó thật khó mở lời khi nói chuyện trực tiếp với Mẹ. Đã bao lâu rồi bạn chưa khen người yêu/ người bạn đời của mình, chưa nói những lời yêu thương với họ? Mặc dù những lời nói đó khó nói ra nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại những không khí, những cách cư xử vui vẻ hơn trong gia đình chúng ta đấy. Chúng ta có thể thử để biết kết quả nhé!

Và đây là chia sẻ của một bạn khi dùng những lời khen chân thành cho Mẹ và đứa em gái của mình:

"Nhờ Mẹ dạy con làm bếp núc và dọn dẹp khéo mà giờ đi đâu con cũng có cơ hội được thể hiện ra hết. Yêu Mẹ quá đi! Hihi (Mẹ bạn đã thường xuyên nói yêu bạn hơn, thường xuyên chúc bạn ngủ ngon hơn, gửi đồ ăn cho bạn xịn hơn hí hí túm lại Mẹ biết bạn yêu Mẹ và Mẹ yêu bạn vô vàng lai láng đại dương xanh) 
Bạn đã khen em gái là chị rất thích cách nghĩ của em. Dù em còn nhỏ nhưng suy nghĩ chín chắn hơn bạn cùng tuổi nhiều lắm. Chị nghĩ có phải vì em đã chăm đọc sách không? (À há, em bạn đã thích sách hơn, chăm đọc hơn và còn chia sẻ kinh nghiệm tạo thói quen đọc sách cho bạn)."

Những ái ngữ trong ca dao

 

Vì thế, lời hay ý đẹp (mỹ) những phải đi đôi với cái thật (chân) và tốt lành (thiện) thì mới là cái đẹp đích thực. Nếu chúng ta làm hài lòng người khác bằng những lời nói bóng bẩy mà lòng không hề nghĩ hoặc muốn nói như vậy thì có thể chúng ta làm hài lòng người khác trong giây phút nhất thời nhưng vô tình lại tạo thành bức tường ngăn mình, đến lúc bức tường ngăn đó dày lên thì một ngày mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng xa dần đến lúc xa mãi. Có những người như treo mật ngọt trên môi vậy, chỉ cần họ nói ra là đã làm cho hàng ngàn người bị thuyết phục. Thậm chí nếu họ không hài lòng về mình thì mình cũng không tài nào đoán biết được, và đôi lúc mình còn nhầm tưởng họ đang rất quý trọng mình, đang rất yêu thương mình, đúng như những lời người ta dành cho mình. Nhưng chỉ cần một tình huống xảy đến làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ thì ngay lập tức những lời nói ngọt ngào đó sẽ thành những lời nói thâm hiểm nhất đâm sâu vào tâm trí của con người. Lời nói ngọt ngào cũng là một cách tô điểm thêm cho cái bản ngã, dùng cảm xúc tốt này để thay thế cho một cảm xúc xấu. Và chỉ có những người cùng trường năng lượng yếu đuối, mong muốn nhận được lời khen của người khác mới dễ bị mắc bẫy của họ mà thôi. Và rồi chúng ta truyền tai nhau câu nói: "ở đời người nào càng khéo miệng người ấy càng nguy hiểm".

Ái ngữ cũng là con dao hai lưỡi

Nhưng cũng có những người cho rằng mình tôn trọng sự thật nên họ rất bộc trực và nói hết những gì mình nghĩ, những gì là sự thật làm cho người nghe cảm thấy bị tổn thương vô cùng. Tôn trọng sự thật là một điều đúng nhưng nếu điều đó làm người khác tổn thương thì đó cũng chưa hẳn là cách tốt nhất. Có những chuyện xảy đến mà nếu mình nói thẳng với đối tượng có thể sẽ làm họ quỵ ngã mất, vì thế chúng ta cần có một cách nói giảm nói tránh để đối tượng chấp nhận dần dần. Và tất nhiên sự thật vẫn sẽ được nói ra nhưng phải lựa thời điểm thích hợp, khi đối tượng đủ sức chịu đựng và họ thật sự sẵn sàng thì chúng ta nói vẫn không muộn. 

Vì thế để có một cách sống hòa nhã, không làm tổn thương đến bất kì người nào thì có thể người đó có thể đã trở thành Bụt. Nhưng đó cũng là một kĩ năng và có thể rèn luyện được. Do đó, người nào thấy rằng mỗi lần mình phát ngôn đều không hay, đều làm tổn thương người khác thì có hai cách để rèn luyện. Một là luôn chú ý suy nghĩ trước khi nói mà người xưa thường có câu "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" để cho bản thân có đủ thời gian để xem xét những lời mình nói có làm tổn thương đến người khác hay không hoặc là những lời nói đó có cần thiết hay không, thì chúng ta sẽ hạn chế rất nhiều những tình huống xảy ra không đáng có. Hai là chúng ta thực tập im lặng để lắng lòng nghe tất cả những lời nói mà bản thân đã nói, chuẩn bị nói và sẽ nói với đối phương để xem rằng ở vị trí như người đó bản thân mình có chấp nhận được hay không? Nếu trong hoàn cảnh bắt buộc chúng ta có thể treo bảng "Thực tập im lặng" để mọi người xung quanh tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hành của chính mình. Có thể trong những lần mới thực hành nó sẽ tạo cảm giác rất khó chịu vì nó khác biệt với "cái tôi" quá khứ của mình. Nhưng nếu thực tập hằng ngày, hằng giờ  thì chúng ta sẽ dần quen và đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phát hiện ra cách nói chuyện, cách sử dụng ngôn ngữ của chúng ta sẽ rất khác và cách đón nhận của những người xung quanh cũng rất khác. Bởi vì thế giới xung quanh chúng ta sẽ thay đổi nếu chúng ta thay đổi.

Ngày nay chúng ta dường như phải chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống nên những lời nói dành cho nhau cũng trở nên nặng nề hơn như "Dừng ngay đi", "Mày đi chết đi",.... Đó có thể là những lời nói vô tình nhưng nó lại có sức công phá rất lớn, nó làm cho đối phương tổn thương, thậm chí có những hành động nguy hiểm giống như những lời nói được nhận. Và thường những lời nói ấy được phát ngôn khi chúng ta đang giận dữ, vì thế khi nhận biết bản thân đang giận dữ thì chúng ta càng phải thực hành im lặng và chúng ta cũng nói cho những người xung quanh biết rằng mình đang không ổn để họ không phải hứng chịu những cảm xúc không tốt từ mình.

Một lời nói đi cùng với sự thật và một trái tim yêu thương, biết lắng nghe chắc chắn sẽ có sức truyền tải rất lớn cho người đối diện. Quả thật chúng ta chỉ có duyên đi qua nhau một lần, hay vài lần hoặc thậm chí là một đoạn đường ngắn ngủi chúng ta có mặt trên đời này nên hãy dành những lời nói chân thiện để đối xử cho nhau. Vì ai cũng muốn được lắng nghe, được chia sẻ, được quan tâm và được nhận những lời khen chân thành. Hãy dùng tài sản quý báu này giúp con người chung sống an vui và bình yên cho nhau nhé!

"Tất cả cũng tàn phai

Chỉ tình thương ở lại

Những gì trao hôm nay

Sẽ theo nhau mãi mãi"

----Sư Minh Niệm----

 

 

Hand Right  Xem thêm nhiều bài viết hay nữa tại Tủ Tri Thức

 

Tạo vào 2018-05-25 15:36:43, Cập nhật 5 năm trước
Bình luận
Top phản hồi
Đang tải bình luận bài viết Phản hồi bài viết Xin hãy dùng ái ngữ cho nhau
Gửi đi

Chia sẻ Xin hãy dùng ái ngữ cho nhau tới bạn bè để mọi người cùng đọc nhé !

Bài viết có vấn đề ? Hãy cho chúng tôi biết.

Gửi báo cáo sai phạm
Bạn đang đọc bài viết Xin hãy dùng ái ngữ cho nhau.

Hãy để nguồn tutrithuc.com khi phát hành lại nội dung này !

23932