Đặc sản Cơm lam của Tây Nguyên
Không chỉ làm say đắm lòng người bởi tiếng đàn đá mang âm thanh của núi rừng hay hơi rượu cần say chếch choáng. Vùng đất Tây Nguyên ,đã khéo léo giữ chân du khách ở lại bằng những đặc sản mang đậm hương vị của cao nguyên nắng gió này. Trong đó, có lẽ không thể bỏ qua được Cơm lam- một sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Nguồn gốc xuất hiện Cơm lam, từ đâu?
Trước kia, do đòi hỏi thường xuyên của việc làm nương rẫy cùng với tập quán sống du canh du cư. Nhiều đồng bào ở Tây Nguyên đã tận dụng những ống tre, ống nứa có sẵn trong rừng để nấu những hạt gạo mà họ mang theo trong suốt mùa làm. Thứ cơm mà họ nấu giúp ăn chắc bụng hơn các món ăn khác, đáp ứng được nhu cầu các công việc nặng. Cơm lam cũng xuất phát từ đó, bắt đầu chỉ là món ăn dân dã gắn liền với cuộc sống của đồng bào nơi đây nay đã trở thành đặc sản truyền thống, khác hẳn với cơm lam ở vùng Tây Bắc hay của người Lào.
Cơm lam, sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người.
Để tạo được những hạt cơm lam dẻo và thơm, gạo ( gạo nếp) phải được lựa chọn kĩ càng: hạt vừa phải,thuôn dài, trắng và thơm. Nếu có thể chọn mua được những lúa nương của người đồng bào sẽ tăng thêm hương vị của cơm lam. Gạo phải được ngâm ở trong nước lấy từ con suối đầu nguồn hay vách đá ngâm trong vài tiếng hoặc một đêm mới được vào trong ống lờ ô hoặc ống tre. Chọn đúng loại ống lờ ô cũng góp phần quyết định đến sự thành công của món ăn, không quá non cũng không quá già,chọn những ống tươi để giữ mùi vị của tre khi cơm chín. Khi đổ gạo vào các ống không được dồn quá chặt. Sau cùng, dùng các loại lá rừng chủ yếu là lá chuối bịt kín đầu hở của ống.
Phải đợi cho lửa than thật hồng, thật đượm để cơm dẻo không bị khô và cháy. Ống cơm không trực tiếp được vùi hoặc đặt trực tiếp lên than, phải đặt một cái kiềng lên trên và xếp các ống cơm lên trên hay đặt một đầu đặt trên thanh ngang còn một đầu để chạm mặt đất. Người làm cơm lam phải luôn trở đều tay cho đến khi vỏ nứa cháy hơi xém và khô lại. Đến khi thấy thoảng được mùi nếp thơm ra từ ống thì cơm đã chín.
Lấy xuống khỏi bếp, ống cơm lam được làm mất lớp tre đen bên ngoài chỉ để lại lớp mỏng màu trắng ngà giữ lấy hạt gạo dẻo dậy mùi hương của núi rừng. Cắt thành những khúc nhỏ vừa ăn, có thể ăn kèm với muối vừng hoặc các thịt nướng,gà sa lửa,…
Ngày nay trong các dịp lễ lớn trong năm, cơm lam luôn là món ăn không thể thiếu được người Tây Nguyên dùng để tạ ơn và cầu mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Khi đến nơi đây người ta sẽ không nỡ từ chối thử ăn cơm lam một lần và khi ăn rồi sẽ mãi nhung nhớ mùi vị cơm lam của đất trời cao nguyên, của những con người chân chất, mộc mạc.
Xem thêm: Cách nấu sò huyết xào tỏi ngon như nhà hàng.
Chia sẻ Đặc sản Cơm lam của Tây Nguyên tới bạn bè để mọi người cùng đọc nhé !
Hãy để nguồn tutrithuc.com khi phát hành lại nội dung này !